Saturated fat
Ăn thịt mỡ gây bệnh tim mạch: Trò lừa bịp lớn nhất trong lịch sử ngành y
Để cho Giả thuyết Chất béo trở thành Định luật Chất béo, những điều sau phải đúng: Chất béo bão hòa phải làm tăng nồng độ cholesterol, và cholesterol phải gây ra bệnh tim mạch.

Chất béo bão hòa => Cholesterol => Bệnh tim mạch

Có một con số khổng lồ những nghiên cứu dịch tễ học cho thấy không có mối tương quan nào giữa việc ăn chất béo bão hòa, nồng độ cholesterol và bệnh tim mạch. Hãy thử xem xét một vài nghiên cứu trong số đó, không phải vì tôi nghĩ rằng những nghiên cứu dịch tễ học là tuyệt vời, mà bởi vì những kẻ ủng hộ Giả thuyết Chất béo rất thích dẫn ra các nghiên cứu dịch tễ học. Đầu tiên là một loạt các nghịch lý: Nghịch lý Pháp, nghịch lý Hy Lạp, nghịch lý Đông Phi, nghịch lý Thụy Sĩ, nghịch lý đảo Thái Bình Dương. Đó là những nước có mức tiêu thụ chất béo bão hòa cao, nhưng tỷ lệ mắc bệnh tim thấp. Pháp có mức độ tiêu thụ vào loại cao nhất - người dân Pháp tiêu thụ lượng bơ nhiều gấp bốn lần rưỡi người Mỹ chẳng hạn - nhưng tỷ lệ bệnh tim mạch ở người Pháp thấp hơn nhiều. Bộ tộc Masai ở Kenya ăn một chế độ ăn gần như hoàn toàn là thịt, sữa và tiết. Trung bình, những chiến binh trẻ người Masai ăn 300 gam chất béo động vật mỗi ngày. Thế nhưng nồng độ cholesterol của họ thuộc vào loại thấp nhất trên thế giới - trung bình dưới 160 - và bệnh tim mạch là hoàn toàn không nghe nói đến. Khi khám nghiệm tử thi, các dấu hiệu xơ vữa động mạch cũng không có. Dựa trên những kết quả này, George Mann, người đã nghiên cứu bộ tộc Masai, tuyên bố Giả thuyết Chất béo là "bước đi lạc hướng lớn nhất của ngành y tế cộng đồng trong thế kỷ này ... trò lừa bịp lớn nhất trong lịch sử ngành y."

Một nghiên cứu về bộ tộc Samburu ở Uganda cho những kết quả tương tự - không có bệnh tim hay nồng độ cholesterol cao mặc dù họ ăn 400 gam mỡ động vật mỗi ngày. Họ cũng không hề có bệnh thấp khớp, thoái hóa khớp hay huyết áp cao.

Một nền văn hóa mục đồng khác ở châu Phi là những người Kalenjin ở Kenya. Chế độ ăn uống của họ bao gồm chủ yếu là sữa tươi nguyên chất và sữa lên men. Không những họ không hề có các bệnh mãn tính và thoái hóa, họ còn là những vận động viên chạy nổi tiếng thế giới. "Các vận động viên từ bộ lạc ba triệu người này đã giành được 40% tổng số các giải thưởng quốc tế cao nhất trong môn chạy đường dài của nam." Một người Kalenjin đã về nhất giải marathon Boston cả thảy bốn lần kể từ năm 1988. Ron Schmid gọi đây là "dấu hiệu của những sức mạnh tự nhiên sâu sắc trong cơ thể."

Một nghiên cứu dịch tễ học khác khám phá ra nghịch lý đảo Thái Bình Dương. Dừa là thức ăn chính của người dân đảo Pukapuka và Tokelau, và dầu dừa còn chứa nhiều chất béo bão hòa hơn mỡ động vật. Cư dân trên hai hòn đảo nói trên lấy 35% và 55%, tương ứng, lượng calo của họ từ chất béo bão hòa ở dừa. Bệnh tim mạch hoàn toàn vắng mặt ở đây, cũng như các bệnh thoái hóa nói chung. Trích dẫn lời tiến sĩ Malcolm Kendrick: "Tôi chỉ muốn hỏi, bạn cần bao nhiêu nghịch lý nữa để nhận ra rằng nghịch lý duy nhất là chính giả thuyết rằng chất béo gây ra bệnh tim?"

Những người Nhật Bản? Họ đã tăng lượng tiêu thụ chất béo nói chung và chất béo động vật nói riêng 250% kể từ năm 1961 - và bây giờ họ là một trong những dân tộc sống lâu nhất trên thế giới. Đột quỵ là nguyên nhân tử vong hàng đầu trong những năm 1960, nhưng cả số ca đột quỵ và tỷ lệ tử vong từ đột quỵ đều giảm nhanh chóng từ năm 1960 đến năm 1975. Có sự thay đổi nào trong chế độ ăn trong khoảng thời gian này không? Có. Sự tiêu thụ protein và chất béo động vật gia tăng đáng kể, do sự thịnh vượng kinh tế trong thời gian này. Nồng độ cholesterol trong máu cũng tăng, trong khi huyết áp và số ca đột quỵ giảm xuống. Cụ thể hơn nữa, các nhà nghiên cứu Nhật Bản theo dõi 3700 người từ năm 1984 đến năm 2001, và những người ăn nhiều mỡ động vật nhất có "nguy cơ tử vong do đột quỵ thấp hơn 62% so với mức trung bình trong nhóm."

Muốn nữa không? Một cuộc khảo sát hơn 40.000 người Nhật Bản cho thấy rằng trong khoảng thời gian 16 năm, "những người ăn nhiều trứng, sữa và cá nhất có nguy cơ đột quỵ 28% ít hơn những người ăn ít nhất."

Rồi đến Ấn Độ, nơi mà tỷ lệ bệnh tim mạch đã được kiểm tra trên hơn một triệu người đàn ông. Tỷ lệ bệnh tim mạch cao nhất là ở Mandras, miền nam Ấn Độ. Tỷ lệ thấp nhất là ở Punjab, miền bắc Ấn Độ. Sự khác biệt trong chế độ ăn uống của họ? Ở thành phố nhiều bệnh tật Mandras, lượng chất béo tiêu thụ ít hơn và chủ yếu là dầu thực vật không bão hòa đa. Ở thành phố khỏe mạnh hơn Punjab, các sản phẩm sữa cung cấp chất béo, chỉ có 2% đến từ chất béo không bão hòa đa. Những người đàn ông Punjab được chất béo bão hòa bảo vệ "có nguy cơ tử vong do bệnh tim thấp hơn 7 lần so với những người ở Mandras," và tuổi thọ nói chung của họ cao hơn 8 năm.

Và còn Trung Quốc nữa. Có một huyền thoại kỳ quặc và dai dẳng trong số những người quan tâm đến sức khỏe bản thân ở phương Tây rằng người Trung Quốc không bị bệnh tim mạch. Họ cho rằng lý do những người Trung Quốc khỏe mạnh là do họ ăn rất nhiều gạo với rau, và rất ít protein và chất béo, và vì vậy đó là bằng chứng sống về sự đúng đắn của huyền thoại ăn chay. Tiến sĩ Eades viết:
Tuy nhiên, sự thật của vấn đề là những người Trung Quốc thực sự có bệnh tim mạch, và rất nhiều là đằng khác. Tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch của nam giới ở cả nông thôn và thành thị Trung Quốc là gần như không khác chút nào so với tỷ lệ của nam giới ở Mỹ, trong khi tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch của nữ giới ở cả nông thôn và thành thị Trung Quốc cao hơn nhiều so với nữ giới ở Mỹ... Quan điểm cho rằng người Trung Quốc không có bệnh tim mạch là một thứ giống như huyền thoại ma cà rồng - nó cứ bám dai dẳng trong cộng đồng mà không chịu mất đi. Câu chuyện hoang đường rằng một chế độ ăn ít chất béo, nhiều carbohydrate là tốt cho sức khỏe cứ thế sống mãi trong cộng đồng.
Sự khác biệt giữa bệnh tim mạch ở Trung Quốc và bệnh tim mạch ở Mỹ chỉ là hình thức nó biểu hiện. Ở Trung Quốc, nó là đột quỵ; ở Mỹ, nó là nhồi máu cơ tim. Đối với nam giới thành thị ở Trung Quốc, tỷ lệ nhồi máu cơ tim chỉ bằng khoảng một nửa nam giới Mỹ, nhưng tỷ lệ đột quỵ của họ cao gần gấp sáu lần. Với nữ giới thành thị ở Trung Quốc, tỷ lệ nhồi máu cơ tim bằng khoảng ¾ tỷ lệ ở Mỹ, nhưng tỷ lệ đột quỵ của họ gấp khoảng năm lần.

Thế đã đủ chưa? Ai biết được còn điều gì có liên quan ở những nước tận bên kia thế giới ấy, bạn có thể cố cãi. Tốt thôi, chúng ta hãy nhìn vào Hoa Kỳ.

Trong vòng 15 năm qua, sự tiêu thụ chất béo ở Hoa Kỳ đã giảm gần 25% do chiến dịch tuyên truyền không mệt mỏi của ngành y tế chính thống và việc các công ty thực phẩm sẵn lòng tạo ra một con số vô tận những loại thực phẩm không phải là thực phẩm làm từ những thứ chất béo không phải là chất béo: những thứ dầu thực vật không bão hòa đa mà họ phải biến đổi về mặt hóa học để có thể khiến chúng được chấp nhận bởi người tiêu dùng vốn vẫn còn nhớ mùi vị của chất béo bão hòa con người vẫn ăn từ trước tới nay.

25% là một sự thuyên giảm lớn. Bạn có trở nên khỏe mạnh hơn không? Hay bạn có nhận thấy tỷ lệ người mắc những căn bệnh thường bị đổ cho các thực phẩm từ động vật tăng lên đến mức chưa từng thấy từ trước tới nay và vẫn còn tăng nữa?
Bệnh tiểu đường loại 2 đã tăng hơn 10 lần. Con số tử vong vì bệnh tim, sau hơn 10 năm suy giảm, tăng trở lại từ năm 1992 và vẫn gia tăng từ đó đến giờ. Sự gia tăng của bệnh tim mạch có thể được thấy một cách chính xác trong con số bệnh nhân ra viện với chẩn đoán đó. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, con số này đã tăng 25% kể từ năm 1976. Tỷ lệ tai biến mạch máu não đang gia tăng, và ung thư vẫn tiếp tục gia tăng không ngừng nghỉ với những loại ung thư thường bị đổ cho việc ăn nhiều chất béo - ung thư vú và tuyến tiền liệt - tăng mạnh nhất.
Một số chuyên gia đã nhận ra, và thậm chí công khai thừa nhận, rằng cuộc thí nghiệm khổng lồ về dinh dưỡng áp đặt lên dân chúng Mỹ là một thất bại hoàn toàn. William Willett từ khoa Y tế Cộng đồng của trường Harvard đã nói, "Ăn ít chất béo đã trở thành như một thứ tôn giáo. Nhưng lúc đầu nó chỉ là một giả thuyết." Chúng ta đã làm điều họ bảo - ăn ít chất béo đi, nhiều carbohydrate hơn - và đã chuốc lấy nhiều bệnh tật hơn.
Hay nhìn vào nghiên cứu tim mạch Framingham nổi tiếng. Bắt đầu từ năm 1948 với việc theo dõi sức khỏe của 5.000 người dân của một vùng ngoại ô ở Boston, nghiên cứu này tìm cách kiểm tra Giả thuyết Chất béo bằng cách đo nồng độ cholesterol trong máu và theo dõi bệnh tim mạch. Nghiên cứu này đáng được đọc vì nó là một bài học đáng giá về chối bỏ sự thật. Ví dụ, dữ liệu nghiên cứu cho thấy sự thuyên giảm nồng độ cholesterol ở những người hơn 50 tuổi có liên quan đến tỷ lệ tử vong nói chung và tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. "Tương ứng với sự thuyên giảm 1 mg/dl mỗi năm trong 14 năm đầu của cuộc nghiên cứu là sự gia tăng 14% trong tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch và 11% trong tỷ lệ tử vong nói chung trong 18 năm tiếp sau đó." Vậy mà nghiên cứu này được những người ủng hộ Giả thuyết Chất béo dẫn ra để chứng minh mối liên hệ giữa nồng độ cholesterol cao và bệnh tim mạch.

Thế còn vai trò của chất béo trong nghiên cứu Framingham? Tiến sĩ William Castelli, giám đốc dự án, đã viết công khai rằng "Ở Framingham, một đối tượng ăn càng nhiều chất béo bão hòa, ăn càng nhiều cholesterol, ăn càng nhiều calo bao nhiêu thì nồng độ cholesterol trong máu càng thấp bấy nhiêu... Chúng tôi thấy rằng những người ăn nhiều cholesterol nhất, ăn nhiều chất béo bão hòa nhất, ăn nhiều calo nhất là những người ít béo nhất và khỏe mạnh nhất."

* * * * * *

Thôi đừng quan tâm đến các nghiên cứu dịch tễ học làm gì. Đằng nào thì chúng ta cũng chẳng thích chúng. Cái chúng ta thực sự cần là một nghiên cứu có kiểm soát nghiêm ngặt. Anthony Colpo mô tả một nghiên cứu lâm sàng hoàn hảo sẽ là thế nào:
Một thử nghiệm hoàn hảo sẽ phải so sánh những đối tượng với giới tính, tuổi tác và tình trạng sức khỏe tương tự nhau, được lựa chọn một cách ngẫu nhiên để ăn hai chế độ ăn uống giống nhau về mọi mặt, ngoại trừ việc một nhóm có lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn cao một cách đáng kể (nhóm đối chiếu), trong khi nhóm kia có lượng chất béo bão hòa trong chế độ ăn giảm một cách đáng kể (nhóm điều trị). Lý tưởng nhất, thử nghiệm này phải là che giấu hai chiều (double-blind), nghĩa là cả những nhà nghiên cứu theo dõi cuộc thử nghiệm và những người được theo dõi đều không biết ai ở trong nhóm điều trị và ai ở trong nhóm đối chiếu. Đây là một biện pháp để phòng ngừa sự thiên vị từ phía những nhà nghiên cứu và việc lòng tin của những người được theo dõi vào một trong hai chế độ ăn có ảnh hưởng đến kết quả.
Trên thực tế, những nghiên cứu như vậy đã được tiến hành, và tiến hành nhiều lần, nhằm cố gắng chứng minh mối liên hệ giữa chất béo bão hòa, cholesterol và bệnh tim mạch. Một số trong đó đáp ứng những tiêu chuẩn nghiên cứu khoa học nghiêm ngặt; trong khi một số khác phải được đọc với cặp mắt thận trọng và có hiểu biết. Nghiên cứu đầu tiên được tiến hành bởi Lester M. Morrison vào năm 1946. Nó được thiết kế đặc biệt để tìm hiểu mối quan hệ giữa việc giảm ăn chất béo và số tử vong do bệnh tim mạch. Một trăm người đã từng bị nhồi máu cơ tim được chia làm hai nhóm. Nhóm điều trị được ăn một chế độ ăn ít calo, ít chất béo, nhiều protein bổ sung bởi canxi, phốt pho, men bia và mầm lúa mì. Sau 8 năm, 22 người trong nhóm điều trị đã qua đời trong khi 38 người trong nhóm đối chiếu qua đời.

Hy vọng bạn có thể thấy vấn đề không ổn với nghiên cứu này. Đây là một chế độ can thiệp nhiều mặt, và không có cách nào để biết cái nào trong số đó đã mang lại kết quả tốt. Lượng protein cao hơn? Cái đó đã được cho thấy có liên hệ với suy giảm trong tỷ lệ bệnh tim mạch. Một số thành viên trong nhóm điều trị giảm cân và chỉ riêng việc đó thôi cũng cải thiện sức khỏe tim mạch. Chúng ta biết rằng các loại vitamin B - có trong cả men bia và mầm lúa mì - làm giảm nồng độ homocysteine, một chất gây xơ vữa động mạch. Selenium là một chất chống ôxi hóa có thể mang lại lợi ích cho các bệnh nhân tim mạch, và men là một nguồn selenium tốt. Bất cứ cái nào trong các tham biến này cũng có thể tạo ra kết quả quan sát được, và không có cách nào biết được cụ thể là cái nào cho đến khi từng tham biến được kiểm soát. Vì vậy khi những người ủng hộ Giả thuyết Chất béo đưa ra nghiên cứu này như là bằng chứng - và một số đã làm như vậy - bạn đã được trang bị kiến thức để nhìn rõ vấn đề.

Nghiên cứu lâm sàng đầu tiên về Giả thuyết Chất béo được thiết kế mang tính che giấu hai chiều, lựa chọn ngẫu nhiên giữa các đối tượng và có kiểm soát các tham biến - nói một cách khác, nghiên cứu đầu tiên đáng được nhắc tới - được tiến hành ở London, Anh vào năm 1965. Các nhà nghiên cứu lấy 80 người tình nguyện và thay thế chất béo bão hòa trong thực đơn của họ bằng dầu ngô. Lưu ý: chất béo là thứ duy nhất khác nhau giữa hai nhóm. Và kết quả? Những người ăn dầu ngô có nồng độ cholesterol trong máu giảm đi trung bình 23 mg/dl. Họ cũng chết nữa. Có nhiều "người chết vì bệnh tim mạch và bệnh tật nói chung" trong nhóm điều trị hơn là trong nhóm đối chiếu. Một nhóm khác được dùng dầu ô liu với kết quả cũng gần tồi tệ như vậy. Trích lời các bác sĩ trong nhóm nghiên cứu: "dựa trên kết quả của cuộc thử nghiệm này, chúng tôi không thể khuyến nghị dùng dầu ngô trong quá trình điều trị bệnh tim mạch. Có rất nhiều khả năng nó không mang lại lợi ích, và có thể còn có hại nữa." Giá mà có ai nghe lời họ nói.

Thử nghiệm đầu tiên về Giả thuyết Chất béo tiến hành ở Hoa Kỳ được gọi là Câu lạc bộ Chống bệnh tim mạch. Công bố vào năm 1966. nghiên cứu này so sánh 1100 người đàn ông ăn "Chế độ ăn cẩn trọng" với một nhóm đối chiếu ăn bình thường. Chế độ ăn cẩn trọng thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa đa. Những người ăn chế độ ăn đó có nồng độ cholesterol giảm từ mức ban đầu là 260 xuống trung bình là 225. Đây là chi tiết mà bản tóm tắt trưng ra. Bạn có thể nghĩ rằng nghiên cứu này có một kết thúc tốt đẹp - trừ phi bạn đọc tiếp. Chín tháng sau, một bài viết thứ hai tiết lộ rằng tám người trong nhóm ăn uống cẩn trọng chết vì nhồi máu cơ tim, trong khi không một ai trong nhóm đối chiếu chết vì bệnh tim. Thêm nữa, tổng số người chết vì bệnh tật trong nhóm ăn uống cẩn trọng là 26; trong khi chỉ 6 người trong nhóm đối chiếu chết. Những cái chết này bị bỏ qua trong những phân tích của các tác giả. Ngoài việc chứng minh sự sai lầm của Giả thuyết Chất béo, điều này còn hé lộ cho chúng ta thấy tính vô nhân đạo của khoa học và cái tôi của những người tham gia trong đó, một điều mà nhiều người trong chúng ta không muốn biết.

Có lẽ bạn không cần phải đọc tất cả các nghiên cứu, hay tất cả các cuốn sách chỉ ra những sai lầm của các nghiên cứu đó. Có lẽ chỉ cần biết có những dân tộc ăn 80% lượng calo của họ dưới dạng chất béo bão hòa mà không có chút bệnh tim mạch nào là đủ. Có lẽ ở sâu thẳm trong tâm trí bạn, có một nơi mà tình yêu là thức ăn và thức ăn là tình yêu, và bạn vẫn có thể nhìn thấy cái bếp mà bà nội bạn vẫn nấu. Bạn vẫn luôn biết là bà đúng: bơ là tốt, bơ thực vật (margarine) là một sự nhục nhã cho bữa ăn. Bạn đã từng ăn những thức ăn thực sự, nấu bởi một người phụ nữ biết con cháu bà cần gì bởi vì mẹ của bà cũng biết và truyền lại những tri thức đó. Một ai đó đã cho bạn ăn thức ăn thực sự. Hãy nhớ lại hương vị tốt lành của nó.

Cũng có thể nó không dễ dàng như thế. Chúng ta đang bị bao vây bởi tiếng nói của các phương tiện truyền thông nhắc chúng ta không được phép quên rằng cơn thèm ăn của chúng ta là nguy hiểm, rằng sự khao khát những thức ăn thực sự của cơ thể chúng ta là một kẻ địch mà chúng ta phải chống lại. Cuộc chiến đó sẽ không có hồi kết, bởi vì sự tham lam của các công ty thực phẩm là vô tận. Sẽ không bao giờ có chỗ trong các bản báo cáo tài chính hàng năm của họ cho những nguồn thực phẩm địa phương thực sự tốt lành cho cơ thể, cũng như không bao giờ có chỗ cho những cái chết không đúng chỗ trong các bản tóm tắt khoa học của họ.

* * * * * *

Hãy Biết Về Chất Béo Của Bạn (Know Your Fats), tựa đề cuốn sách của tiến sĩ Mary Enig kêu gọi. Tôi ước có thể có một khẩu hiệu dễ nghe hơn. Chúng ta cần một khẩu hiệu như vậy. Chúng ta cần một cái gì đó để chống lại những thế lực đang hợp sức làm hại cơ thể chúng ta, và hành tinh của chúng ta. Những thế lực này cuối cùng hóa ra đều là một. Nhận thức đó là vết rạn đầu tiên trong thế giới quan ăn chay của tôi và dẫn đến những mâu thuẫn cơ bản bên dưới. Tôi không trồng được những thực phẩm tôi ăn - đậu, gạo, lạc. Chúng từ đâu đến? Những người trồng những thứ đó có cần chúng không? Tôi có quyền gì để ăn chúng? Tôi tự xoa dịu bản thân với những con số về lượng ngũ cốc mà gia súc cần nếu tôi ăn thịt chúng thay vì ăn chay. Khi đó tôi biết thế giới tư bản phát triển đang bóc lột về mặt kinh tế các nước kém phát triển hơn. Tôi biết chết đói là một cách chết rất đau đớn, cũng như bị lột da sống ở các lò mổ. Ngoài những điều đó ra, tất cả những gì tôi biết là sự lựa chọn giữa ăn chay và những thứ tồi tệ hơn nhiều: tra tấn, sát sinh. Trước tuổi 20, tôi đã hiểu nông nghiệp với những vụ ngũ cốc ngắn ngày sẽ dẫn đến sự hủy diệt của thế giới này. Nhưng ngoài cái đó ra còn có lựa chọn nào khác? Tôi muốn tất cả chúng ta đều có cái để ăn. Tôi muốn tất cả phụ nữ được giải phóng và tôi muốn tất cả động vật được giải phóng. Tôi muốn thấy một thế giới xanh tươi tràn đầy sự sống. Những người ăn chay nói rằng họ có thể đưa chúng ta đến thế giới đó, rằng ăn thịt là một thói xấu đang giết chết chúng ta và hành tinh này. Không còn lựa chọn nào khác, tôi đã nhắm mắt đưa chân theo họ.

Và tôi đã đói. Lúc nào cũng đói. Bạn có thể ăn rất nhiều calo mà vẫn bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Để tiếp tục ăn chay, tôi đã phải chiến đấu với cái đói, một điều mà tôi không bao giờ thừa nhận, đặc biệt là với bản thân, khi tôi vẫn đang ăn chay. Nếu lúc đó tôi đối mặt với cái thèm ăn ấy, liệu tôi có phải dừng ăn chay không? Liệu chủ nghĩa nữ quyền trong tôi, cái vẫn đòi hỏi tôi phải trân trọng cơ thể phụ nữ của tôi, có bắt tôi phải ngừng ăn chay không - đặc biệt là khi cái đói là một trong những hình phạt chính mà chế độ phụ hệ áp dụng lên phụ nữ chỉ vì họ là phụ nữ? Tôi là người chống lại sự hành hạ phụ nữ, chứ không phải là người tham gia, ít nhất là không tham gia một cách sẵn lòng.

Thay vì đối mặt với tất cả những điều đó, tôi chối bỏ cái đói trong tôi, rồi quên nó đi. Quá trình đó không phải chỉ diễn ra trong một đêm: sự thiếu hụt dinh dưỡng, các thụ thể insulin mệt mỏi vì làm việc quá sức, sức sống mất dần, sự đau đớn. Những đợt tụt đường huyết ngày càng trở nên tồi tệ hơn, cho đến khi cuối cùng tôi phải ăn gần như liên tục thì mới khỏi cảm thấy như mình sắp chết đến nơi. Dĩ nhiên là chỉ ăn carbohydrate, bởi vì đó là tất cả những gì tôi tự cho phép mình, và điều đó chỉ đảm bảo mang lại một cơn tụt đường huyết mới. Thịt là điều cấm kỵ tuyệt đối đến mức cơn thèm protein của tôi bị coi là một tội ác gần giống như tội ác diệt chủng. Nhưng cái tôi thèm nhất là chất béo. Chất béo thực sự. Không phải thứ dầu thực vật tôi vẫn rán đậu phụ trong đó, mà là chất béo thực sự: chất béo bão hòa, mỡ.

Sau khi tôi ăn chay được hai năm - hai năm trong đó không một phân tử mỡ động vật nào đi vào người tôi - mẹ tôi đặt một bát kem chua lên bàn: kem chua cùng với pho-mát và một chút hương vị.

Tôi nhìn chằm chằm vào cái bát ấy. Tôi không thể rời mắt khỏi nó. Và tôi nhận ra rằng không gì có thể ngăn tôi khỏi ăn bát kem chua ấy. Không một thứ gì trong đầu tôi, không một con số, một hình ảnh nào có thể ngăn được thôi thúc sinh học ấy. Tôi ăn. Tôi nhớ lại lúc đó tôi không suy nghĩ gì cả: thực sự không một ý nghĩ nào. Chỉ có cơn đói và sự thỏa mãn cơn đói.

Cảm giác dễ chịu tràn qua người tôi trong mấy giờ sau đó, bắt đầu từ một nơi nào đó trong bộ não. Không phải trong tâm trí, tâm trí tôi đang kiệt sức vì kinh hoàng với điều tôi vừa làm, mà là bộ não thực sự của tôi. Hai mươi năm sau, tôi đọc đoạn sau và vẫn có thể nhận ra mình lúc đó. Đoạn này viết về những tù nhân chiến tranh vừa được giải phóng và được chiêu đãi bữa tiệc ăn mừng.
Bữa tiệc đầy những món thịt nướng, rau quả, bánh mì, bánh nướng, salad, những món tráng miệng và hoa quả tươi hấp dẫn, những thứ họ đã không được thấy trong nhiều năm. Những người tù binh ấy vớ cái gì đầu tiên? Bơ, bơ thực vật, dầu trộn salad và kem. Họ tìm ăn chất béo. Họ không ăn gì khác cho đến khi tất cả các đĩa chất béo đã được ăn hết.
Tất nhiên, những trải nghiệm cuộc đời tôi còn lâu mới có thể so sánh với sự thiếu thốn và khốn khổ của một trại tù binh chiến tranh, và sẽ là xúc phạm đối với những người đã trải qua hoàn cảnh đó nếu tôi giả bộ như vậy. Nhưng sức hấp dẫn không cưỡng nổi của chất béo, "sự thèm muốn nguyên thủy đối với chất béo," vâng, tôi nhận ra điều đó. Bạn ngụp xuống và bạn không ngẩng lên thậm chí để thở cho đến khi đĩa thức ăn - chất béo - đã hết sạch. Trong khoảnh khắc đó, nó thậm chí còn ngon, còn cần hơn không khí, và sự dễ chịu tỏa ra từ mỗi miếng ăn nói với bạn rằng đúng như vậy: không còn gì tốt hơn nữa, không gì cả, ngoài cái này.

Những khoảnh khắc như vậy rải rác suốt thời gian ăn chay của tôi. Chúng ta gọi chúng là "những bữa thả phanh" hay "những lúc không kìm được", và qua đó coi chúng là kết quả của yếu điểm về đạo đức hay lý tưởng, chứ không phải là do nhu cầu của một cơ thể, một bộ não đang chết dần vì đói.

Có một quán cafe nhỏ tôi vẫn đi qua vào mỗi buổi sáng. Họ bán bánh ngọt giá rẻ. Tôi mua một cái. Sáng hôm sau, tôi biết điều tôi sắp làm mà không dám tự nhận với bản thân: tôi mua một cái bánh có kem pho mát. Và ngày hôm sau nữa? Tôi để cho bạn tự đoán. Tôi cố giả bộ là việc đó không xảy ra, bắt bản thân xóa bỏ mỗi lần đó khỏi bộ nhớ như tôi đã vứt đi những mảnh giấy gói. Thế rồi tôi mua một cái có hai lớp kem pho mát. Ôi, Chúa ơi, một cái gì đó trong bộ não của tôi thức dậy và rên rỉ. Tôi không thể dừng lại. Tôi cũng không thể tự thú nhận hoàn toàn với bản thân điều tôi đang làm, bởi vì nếu vậy tôi sẽ phải dừng lại. Cảm giác tội lỗi tràn ngập tâm trí tôi cùng lúc với sự dễ chịu tràn ngập cơ thể tôi.Tôi bị làm sao vậy? Có phải tôi đã quên hết những gì tôi đã biết, đã trở thành giống như bọn họ, một kẻ phản bội, một kẻ nhẫn tâm tham gia vào sự tra tấn động vật? Những thùng thịt bê, những con bò bị xích vào cột, sự tàn ác cố ý của con người: tất cả đều ở đó, trong cái bánh ngọt đó. Và tôi vẫn tiếp tục mua chúng, hôm có hôm không, trong khoảng hai tháng sau đó. Tôi không thể hiểu điều gì đang xảy ra với tôi, và như nhiều người ăn chay mà tôi biết, tôi cố tìm nguyên nhân trong lĩnh vực tình cảm. Việc chấp nhận nó chỉ là một nhu cầu sinh học cho một loại dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể sẽ làm sụp đổ thế giới quan và bản ngã của những người ăn chay chúng ta. Vì vậy, những cơn thèm ấy, những lúc không kìm được ấy, phải có nguyên nhân tình cảm hoặc tâm linh, mặc dù chúng ta không sử dụng từ thứ hai. Tuy nhiên, đó chính là khuôn mẫu văn hóa bắt nguồn từ đạo Thiên Chúa. Hãy cầu phước cho tôi, hỡi các chị em, bởi tôi đã phạm tội: mea culpa. Tôi đang rời xa khỏi Chúa, một Chúa khác so với Chúa của đạo Thiên Chúa, nhưng là một Chúa mà tôi yêu.

Cuối cùng, tôi đổi đường đi mỗi sáng để khỏi bị cám dỗ, không học được gì từ trải nghiệm đó.