Salt bleaches cracked earth near a farm in Al-Islah, Iraq
© Julia Harte / National GeographicĐất nhiễm mặn nứt nẻ gần một trang trại ở Iraq, vùng đất từng được gọi là Mảnh Trăng lưỡi liềm Màu mỡ, nơi khởi nguồn của nông nghiệp 8000 năm trước đây.
Bắt đầu với một mảnh đất — một khu rừng, một đồng cỏ, một đầm lầy. Ở trạng thái nguyên thủy của nó, mảnh đất được che phủ bởi vô số loại cây, làm việc nhịp nhàng với vi sinh vật — vi khuẩn, nấm, men — và với động vật từ côn trùng cho đến động vật có vú. Cây cối là những cỗ máy sản xuất, biến ánh sáng mặt trời thành chất hữu cơ, tạo ra cả bầu khí quyển giàu ôxy cho chúng ta thở và lớp đất màu mà trên đó chúng ta sống. Đây gọi là một hệ thống đa canh lâu năm. Lâu năm bởi vì hầu hết các cây sống trong nhiều năm, cô lập carbon trong cơ thể cellulose của chúng, tạo ra những bộ rễ khổng lồ dài hàng dặm dưới lòng đất. Đa canh bởi vì có rất nhiều loại cây, tất cả đều hợp tác, cạnh tranh, đóng góp; tất cả đều có một chỗ đứng thích hợp với một chức năng cần thiết. Đa canh lâu năm là cách mà thiên nhiên bảo vệ và phát triển lớn đất màu, cách mà sự sống đã tự thiết lập để tạo ra nhiều hơn nữa.

Còn đây là nông nghiệp: bạn lấy một mảnh đất và bạn xóa sạch tất cả mọi sinh vật sống khỏi đó, cho đến tận các con vi khuẩn. Rồi bạn trồng trên đó một số rất nhỏ những loài cho con người sử dụng, thường là những cánh đồng vô tận chỉ với một loại cây duy nhất như ngô, đậu tương, lúa mì. Động vật trên đó bị giết hại, thường là đến tuyệt chủng. Chúng đơn giản là không có chỗ nào để chạy trốn. Có khoảng từ 60 triệu đến 100 triệu con bò rừng ở Hoa Kỳ vào năm 1491. Bây giờ còn 350.000 con, và chỉ 12.000 đến 15.000 trong số đó là thuần chủng, nghĩa là không bị lai giống với gia súc đã thuần hóa. Mảnh đất này từng có từ 425.000 đến một triệu con chó sói; giờ chỉ còn 10.000 con. Một số loài chim sống dưới đất bị xóa sổ trước khi chúng thậm chí được đặt tên (ý tôi là tên châu Âu; tôi chắc chắn rằng các bộ tộc thổ dân có tên cho chúng). Đồng cỏ Bắc Mỹ bị giảm xuống còn 2% kích thước ban đầu của nó, và lớp đất màu, từng có lúc dày 3,7 mét, bây giờ chỉ còn đo được bằng cm.

Nông nghiệp dựa trên độc canh cây ngắn hạn, hoàn toàn ngược lại với các hệ thống đa canh lâu năm, và nó làm ngược với những gì thiên nhiên làm: nó hủy hoại lớp đất màu. "Sự suy thoái của đất là kết quả không thể tránh khỏi mà nông nghiệp làm với môi trường," Steven Stoll viết. Hay như cách Tom Paulison diễn đạt, "Hành tinh này đang bị lột da." Nông nghiệp là một thảm họa không bao giờ để cho đất có cơ hội phục hồi. Và để giữ đất trống cần nỗ lực rất lớn. Bởi vì sự sống muốn được sống. Những cái cây cố gắng làm nên một khu rừng, những thảm cỏ muốn làm nên một đồng cỏ, và những hồ nước muốn được phủ bởi cây thủy sinh. Bỏ mặc đất trống tại New England, và bạn sẽ nhận được cây thương lục và bụi cây mâm xôi, rồi đến cây sơn và cây bu lô, rồi đến cây phong, sồi và thông. Trong năm năm, đất sẽ được phủ kín bởi các cây non; sau mười năm, chúng sẽ quá lớn để có thể cưa bằng cưa tay. Đấy là Trái Đất tự bảo vệ mình, che phủ cơ thể của nó bằng tấm áo giáp cây xanh.

Nhưng tấm giáp ấy không đủ dày, không đủ khi những kẻ tấn công là con người. Nông nghiệp giống chiến tranh hơn bất cứ cái gì khác, một cuộc tấn công tổng lực lên những quá trình cho phép sự sống tồn tại. Daniel Hillel giải thích,
với bản chất của nó, [nông nghiệp] là một sự xâm lược và do đó nó phá vỡ môi trường khi nó thay thế hệ sinh thái tự nhiên với một hệ sinh thái nhân tạo ... Từ khoảnh khắc người nông dân đánh dấu mảnh đất của anh ta ... anh ta về cơ bản đã tuyên chiến với những gì hiện có trong môi trường ấy. Mong muốn trồng một loại cây nào đó ... người nông dân giờ đây phải coi tất cả các giống sinh vật bản địa là cỏ dại độc hại hoặc sâu bệnh, phải bị diệt trừ bằng mọi cách có thể. Tuy nhiên, trong một môi trường không khép kín, các loài hoang dã tiếp tục cố gắng khôi phục lại lãnh địa bị đánh cắp của chúng, vậy nên cuộc chiến của người nông dân không bao giờ thắng lợi hoàn toàn.
Nông nghiệp là một cuộc truy quét đến tận bờ biển diễn ra vòng quanh quả địa cầu. Những vùng đất duy nhất còn lại là những nơi mà người làm nông nghiệp không thể sử dụng: quá lạnh, quá nóng, quá dốc, quá khô.

Và nông nghiệp không hẳn là một cuộc chiến tranh bởi vì các khu rừng, đầm lầy, những cơn mưa, mảnh đất màu, không khí, không thể đánh lại. Nông nghiệp thực sự giống một cuộc diệt chủng hơn: quét sạch những sinh vật bản địa để những kẻ xâm lược có thể chiếm lấy đất. Nó là một quá trình diệt chủng sinh học. "Trong lịch sử nền văn minh con người ... lưỡi cày tàn phá nhiều hơn thanh kiếm rất nhiều." Nó không hề hòa bình. Nó cũng không bền vững. Và mỗi miếng thức ăn từ đó đều thấm đẫm sự chết chóc.

~ ~ ~ ~ ~ ~

Khi còn ở trường học, tôi học một khóa học mang tên "Chính trị trong Nạn đói trên Thế giới." Khi đó tôi đã ăn thuần chay được bốn năm và rất thành thạo về các giải pháp cho nạn đói trên thế giới. Hoặc là tôi nghĩ vậy. Hóa ra tôi chẳng biết cái quái gì cả. Ông giáo sư, một nhà nông học, người cũng tự nuôi cừu, đưa ra một tuyên bố khiến tôi lạnh xương sống.

"Từ khoảnh khắc bạn cắm lưỡi cày xuống đất, bạn làm thoái hóa nó."

Tôi nhìn tất cả những thứ đó đổ xuống như một hàng domino, toàn bộ loài người. Chúng ta quá đông, quá đông đến hàng tỷ, để có thể dùng bất cứ thứ gì khác ngoài nông nghiệp để nuôi sống chúng ta. Con số con người buộc chúng ta phải phụ thuộc vào việc quét sạch đất đai và chỉ dùng nó cho giống loài chúng ta. Nhưng quá trình ấy đang hủy hoại lớp đất màu. Không có đất màu, sẽ không có thực phẩm, không có sự sống. Nếu điều ông ta nói là đúng, điểm kết thúc cuối cùng sẽ là nạn đói hàng loạt.

"Cày xới đất đai khiến nó bị phơi ra nắng, mưa và gió," ông giải thích. Và nếu những lời ấy còn chưa rõ, ông có hình ảnh.

Ví dụ, ông có những bức ảnh của vùng Mesopotamia, "vùng đất giữa những con sông", nơi bây giờ được gọi là Iraq. Bạn có thể đã nhìn thấy các bức ảnh ấy — mặc dù có lẽ là từ con mắt của những phóng viên chiến trường đi cùng binh lính Mỹ, chứ không phải các nhà nông học tìm cách đưa sa mạc trở lại với sự sống. Những con sông nhắc đến ở trên là sông Tigris và Euphrates. Vùng đất ấy từng được đặt tên là Vùng Trăng Lưỡi liềm Màu mỡ, nhưng bây giờ không có ai đầu óc sáng suốt còn gọi nó với cái tên ấy.
Những khoảng đất trống rộng lớn, khô cằn, hàm lượng muối cao được đan xen bởi tàn tích của các kênh đào thủy lợi cổ xưa. Ngày xưa, đây là những cánh đồng đầy trái ngọt ... Tình trạng tồi tệ hiện nay ... có nguyên nhân phần lớn là do sự khai thác kéo dài trong môi trường dễ bị tổn thương này bởi hàng thế hệ những người cắt, đốt rừng, những người chăn gia súc, nông dân trồng trọt, tưới tiêu.... Các thành phố một thời thịnh vượng của vùng Mesopotamia bây giờ là những trang sách câm lặng tạo bởi những gì còn sót lại của một nền văn minh đã sống và chết đi rồi bị chôn vùi ở đây.
Nền văn minh Thung lũng Sông Indus gặp phải số phận tương tự. Ấn Độ, Pakistan, Úc, Nga, Hoa Kỳ, tiểu vùng Sahara ở Châu Phi, Trung và Nam Mỹ, Ai Cập, Canada — nếu đất nông nghiệp của họ chưa biến thành những vùng đất sét nhiễm mặn, nứt nẻ dưới ánh nắng mặt trời thì rồi chúng cũng sẽ bị như vậy theo thời gian. Vùng Địa Trung Hải chẳng hạn từng là một vùng rừng rậm. Đã từng có những cây tuyết tùng tại Lebanon, chứ không phải chỉ là bóng ma của chúng trên lá cờ. "Những ngọn đồi của Israel, Lebanon, Hy Lạp, Đảo Síp, Crete, Ý, Sicily, Tunisia và miền đông Tây Ban Nha" đều dày đặc cây cối và lớp đất màu dày cả mét. Khi bị tước bỏ lớp cây bảo vệ, đất màu bị cuốn trôi xuống biển. Tất cả những gì còn lại bây giờ là những bụi cây lúp xúp bám vào đá khô, khô cằn dưới nắng mặt trời.

Thành phố Utica là một ví dụ về quy mô của sự phá hủy. Utica từng là một cảng biển ở cửa Sông Bagradas. Nhưng đất từ các ngọn đồi bị cuốn ra biển bởi dòng sông bồi đắp dày lên cho đến khi Utica không còn là cảng biển nữa. Thành phố bị bỏ hoang giờ đây nằm cách bờ biển 7 km, vùi sâu dưới 10 mét bùn. "Số phận của Utica," David Hillel viết, "là ví dụ điển hình về những gì đã xảy đến với các thành phố tuyệt vời khác được thành lập bởi người La Mã tại Bắc Phi."

Ở Lebanon (và rồi Hy Lạp, rồi đến Ý) câu chuyện của nền văn minh nằm phơi trần trên những ngọn đồi đá. Nông nghiệp, hệ thống phân cấp, phá rừng, mất đất màu, quân sự hóa và chủ nghĩa đế quốc trở thành một vòng lặp phản hồi ngày càng tăng dần mà kết thúc là sự sụp đổ của một hệ sinh thái mà có nhiều khả năng không thể phục hồi cho đến sau kỷ nguyên băng hà tiếp theo. Lebanon là quê hương của người Phoenician, những người lái buôn trên biển hàng đầu của Địa Trung Hải. Đất nông nghiệp của họ bị bao quanh bởi núi, trên đó cây tuyết tùng mọc. Gỗ tuyết tùng dùng làm vật liệu xây dựng rất tốt, và đặc biệt là cho đóng tàu, do nó có tính kháng mục ruỗng tự nhiên. Phòng trường hợp bạn nghĩ rằng Maxxam và Plum Creek phát minh ra việc đốn sạch rừng cây, người Phoenician đã làm vậy với mảnh đất của họ. Mesopotamia và Ai Cập không có cây nên họ sẵn lòng mua. Sách Các Vua trong Kinh Thánh mô tả Vua Solomon gửi hàng ngàn người làm công sang giúp đốn và trở cây gỗ tuyết tùng về Jerusalem, nơi nó được cần để xây đền thờ và cung điện. Những tòa nhà như vậy là một phần của nền văn minh nông nghiệp, cùng hệ thống phân cấp với vua chúa và tầng lớp giáo sĩ.

Tiếp theo, dân số bùng nổ khiến họ tìm cách làm nông nghiệp trên vùng đất dốc, dẫn đến việc đất màu bị cuốn trôi ra biển không thể tránh khỏi. Điều này dẫn đến giai đoạn cuối cùng của nông nghiệp: chủ nghĩa đế quốc. Người Phoenician chiếm làm thuộc địa các vùng Bắc Phi, Sardinia, Sicily, và Tây Ban Nha. Các thuộc địa này cung cấp thực phẩm bằng cách khai thác lớp đất màu của chính họ, để đổi lấy sản phẩm công nghiệp của những người Phoenician (chủ yếu là đồ thủy tinh và sản phẩm nhuộm).

Cuối cùng, sức mạnh của người Phoenician suy giảm và người Hy Lạp chiếm lấy vị trí của họ. Đến lượt họ, người Hy Lạp phá hủy đất đai của chính họ, biến "vùng đất từng được che phủ bởi cây cối dày đặc thành một vùng đá trơ." Họ phá rừng làm nông nghiệp và để lấy củi đun cho các quá trình công nghiệp như làm gốm, gạch và luyện kim. Họ cũng sử dụng gỗ để làm ra xe đẩy, xe ngựa và dĩ nhiên, tàu cho việc buôn bán và những cuộc viễn chinh không thể tránh khỏi. Người Hy Lạp cũng đốt rừng của họ để lấy đất cho các đồng cỏ nuôi gia súc, rồi họ phá hủy những đồng cỏ đó thông qua việc chăn thả quá tải. Hillel trích dẫn từ trường ca Iliad: "Những dòng suối khoét sâu nhiều triền đồi, rồi lao thẳng ra biển đen từ các đỉnh núi với một tiếng gầm lớn, và những cánh đồng cày cấy của con người bị hủy hoại." Chiến tranh là cú đánh cuối cùng lên mảnh đất, do những người lính trong các cuộc chiến liên miên của vùng này chủ ý chặt hạ cây cối của những tộc người bị đánh bại. Khi lớp đất màu mất đi, không còn gì để cây mọc nữa.

Đất màu tích tụ tại các cửa sông, cửa biển, cuối cùng tạo ra đầm lầy. Đầm lầy khuyến khích muỗi phát triển và muỗi cung cấp đường lây truyền cho một sinh vật thông minh mới, kẻ tìm thấy nơi phát triển rất tốt trong tế bào máu của con người. Sốt rét là căn bệnh của nền văn minh, một trong số rất nhiều. Richard Manning viết, "Đốn quang rừng nhiệt đới, đầu tiên là ở Châu Phi, và sau đó là ở các vùng khác tạo ra chính cái điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Do vậy, sốt rét là một căn bệnh của nông nghiệp." Mỗi năm, từ 700.000 đến 2,7 triệu người chết vì sốt rét. Mỗi phút, nó giết hại hai người Châu Phi.

Rồi đến La Mã và quá trình ấy lại lặp lại: đất đai bị đốn quang cho nông nghiệp và công nghiệp, đất màu bị cuốn trôi, sông ngòi ùn tắc ở cửa sông, những con suối cạn khô ở đầu nguồn. Steven Stoll giải thích, "Đất màu lưu giữ hầu hết lượng nước có trong bất kỳ hệ sinh thái nào. Không có bể lưu trữ này, nước ẩm sẽ tìm đến dòng suối ở gần nhất; đất đai trở nên khô cằn; khí hậu biến đổi." Trong khi đó, ở phía hạ lưu dòng nước, phù sa tạo ra thêm những khu đầm lầy để muỗi sinh sôi và hủy hoại các cảng biển tại Ostia, Paestum, và Ravenna. Những khu đất, được gọi là hoang mạc nông nghiệp, về cơ bản là những cánh đồng đã biến thành hoang mạc, bị để trống và phó mặc. Tất cả đều được thực hiện bởi công lao động nhọc nhằn và đau đớn của những người nô lệ.
Sự ngược đãi thiên nhiên của người La Mã được tiến hành không chỉ trong vùng đất của họ. Tất cả mọi nơi mà họ xâm chiếm được, họ lặp lại cùng một quá trình. Phát quang rừng rậm, cũng như việc trồng trọt, chăn nuôi vượt quá khả năng của đất, được tiến hành rộng khắp để thỏa mãn những đòi hỏi không bao giờ dừng lại của một trung tâm quyền lực quá cỡ.
Bạn có thể thay tên La Mã bằng tên của bất cứ trung tâm quyền lực quá cỡ nào và những mô tả trên về ảnh hưởng của cỗ máy nông nghiệp đều đúng — về mặt môi trường, kinh tế và xã hội — nó đã lan khắp cả quả địa cầu.

Bắc Mỹ từng được che phủ bởi những cánh rừng rậm đến nỗi một con sóc về lý thuyết có thể đi từ Maine đến Texas mà không chạm chân xuống đất. Tại những nơi mưa ít hơn, đồng cỏ thế chỗ, và cỏ mọc rễ nối liền rễ cho suốt hai ngàn dặm. Có những dòng sông dâng lên theo mùa, phủ lên đất bằng dòng nước hoang sơ, êm dịu đầy phù sa, và rồi các vùng đất ngập nước giải phóng nước ra như một hơi thở dài, chậm rãi.

Như tôi đã nói, 99,8% đồng cỏ nguyên thủy giờ đây đã biến mất. Illinois từng được quấn quanh bởi 9 triệu hecta đồng cỏ, điểm xuyết bởi rừng cây và thảo nguyên. Tại Nebraska, 98% đồng cỏ nguyên thủy cũng đã biến mất. Không còn chỗ nào cho những con trâu rừng gặm cỏ. Chỉ còn mỗi ngô, lúa mì và đậu tương. Có lẽ những động vật duy nhất thoát khỏi cuộc diệt chủng của những người làm nông nghiệp là các con vật nhỏ như chuột và thỏ, và hàng tỷ trong số chúng vẫn đang bị giết hại bởi máy móc thu hái mỗi năm. Trừ phi tự bạn đi ra thu hoạch với một lưỡi liềm, đừng quên tính chúng vào con số chết chóc cho bữa ăn chay của bạn. Chúng đáng được tính và chúng đã chết cho bữa chiều của bạn, cùng với tất cả những loài đã giảm xuống dưới mức khả thi để duy trì về mặt di truyền. "Bạn có thể nhìn thẳng vào mắt một con bò mà không cảm thấy tội lỗi," một quảng cáo cho món bánh mì kẹp thịt giả làm từ đậu tương tuyên bố. Thế còn một con trâu rừng thì sao? Ít nhất 5% số cá thể của một loài cần sống sót để đảm bảo sự đa dạng nếu muốn duy trì loài đó một cách lâu dài, và bây giờ, ít hơn 1% những con trâu rừng còn sót lại.

Thay vào đó, bây giờ chúng ta có nông nghiệp. Indiana từng là mảnh đất với hơn 800.000 hecta đồng cỏ và rừng. Khoảng 400 hecta rải rác đây đó là tất cả những gì còn sót lại. Cũng từng có hàng ngàn hecta rừng ngập nước với cây tupelo gum và cây cỏ bần. Cây cỏ bần thuộc họ gỗ đỏ nhưng không ai quan tâm bảo vệ chúng. Cây tupelo gum rất quan trọng cho những động vật sống phụ thuộc vào nó như gà tây, gấu, hươu, cáo, sóc và nhiều loại chim. Chúng có thể sống lâu hơn 5000 năm. Có một vài vạt nhỏ từng sống từ trước khi Columbus đến xứ này. Thật là ngoan cường. Cây Tupelo Gum vô địch quốc gia cao 32 mét, với bộ rễ phủ rộng 18 mét và chu vi thân cây 8 mét.

Hầu hết các loại cây chết ngạt khi ngập nước. Rễ của chúng cần ôxy. Nhưng tupelo gum và cỏ bần mọc ra những nhánh xốp trên mực nước, những nhánh đó hấp thụ ôxy từ không khí cũng giống như bạn và tôi. "Thực sự có sự hô hấp diễn ra," Richard Hines, một nhà nghiên cứu sinh vật hoang dã tại Khu Bảo tồn Động vật Hoang dã Quốc gia nói.

Có thể bạn không coi cây cối và cỏ là những loài đáng để tâm cho lắm. Có thể bạn không nghĩ chúng là những sinh vật có tâm linh và có thể cảm nhận đau đớn. Nhưng chúng cần thiết cho những sinh vật khiến trái tim và lương tâm của bạn rung động. Quy mô của những gì đã xảy ra trên lục địa này — trên hành tinh này — khó mà có thể được thấu hiểu, đặc biệt là khi cái tri thức ấy không mang lại điều gì khác hơn là sự đau buồn cho bất cứ ai vẫn còn hơi thở. Và để đi xa hơn nữa, để đặt dấu hỏi về chính bản chất của nông nghiệp là điều gần như không thể. Chúng ta sống trong một xã hội nông nghiệp. Nó có cảm giác như là đặt dấu hỏi về không khí, hay về chúa trời, hay về sự tiến bộ, hay sự sống còn của con người, nói chung và nói riêng. Chúng ta thậm chí không biết phải đặt câu hỏi gì. Hầu hết chúng ta sống trong vùng ngoại ô của một thành phố nào đó, những vùng đất từ lâu đã bị phá tan nát bởi lưỡi cưa và lưỡi cày, và phủ lên bởi lớp nhựa asphalt. Chúng ta biết điều các cuốn sách nói — những cuốn sách đầy trắc ẩn, cảm động — với những mô tả về các trại chăn nuôi tập trung như địa ngục và những tính toán so sánh giữa thịt và ngũ cốc. Chúng ta không biết về những con nhạn biển đen hay những con chim chích Swainson hay những con vịt trời. Chúng ta không biết tí gì về những sinh vật đang chết đi để cho chúng ta được ăn.

Chúng ta không biết nông nghiệp là gì bởi vì chưa có ai từng nói cho chúng ta biết và chúng ta không thể tự thấy bằng mắt mình. Chúng ta không thể nhìn thấy bởi vì sự hủy diệt triệt để đến mức chúng ta không biết thế giới lẽ ra có thể trông như thế nào. Tôi đã từng lái xe xuyên qua Indiana bốn lần mà không hề biết rằng nơi đó từng là rừng rậm và đầm lầy. Ai có thể nhìn vào Indiana và nghĩ đến đầm lầy? Chỉ đến khi đọc cuốn "The Girl of The Limberlost" (Em bé gái vùng Limberlost) của Gene Stratton-Porter — một cuốn chuyện trẻ con về một em bé gái sử dụng kiến thức về đầm lầy của em để kiếm tiền trả tiền học — thì tôi mới biết. Đầm lầy Limberlost trong chuyện rộng 5300 hecta, được bao quanh bởi 4900 hecta đất rừng ngập nước nữa. Khu bảo tàng Limberlost có 10.000 khách đến thăm mỗi năm, và hai phần ba trong số họ muốn thăm khu đầm lầy. Becky Smith, người phụ trách bảo tàng, phải nói với mỗi người trong số họ, "Đầm lầy không còn tồn tại nữa."

Đất màu, các giống loài, các dòng sông. Đó là sự chết chóc trong thực phẩm của bạn. Nông nghiệp là một loài ăn thịt: cái nó ăn là các hệ sinh thái, và nó nuốt chửng tất cả.

~ ~ ~ ~ ~ ~

Liệu có thể khác được không? Sự hủy hoại đó có phải là bản chất của nông nghiệp hay chỉ là cách chúng ta làm nông nghiệp? Về khía cạnh này, có phải nông nghiệp cũng tương tự như chăn thả gia súc? Tích hợp động vật một cách phù hợp vào hệ thống đa canh lâu năm sẽ làm gia tăng sự màu mỡ của đất — thật vậy, chúng cần thiết cho các vùng rừng, rừng ngập nước, thảo nguyên, cũng như đồng cỏ. Nhưng quá nhiều động vật hay loại động vật không đúng sẽ làm thoái hóa đất, đôi khi đến độ hoang mạc hóa. Như đã được thảo luận ở trên, loài hươu đuôi trắng đang phá hủy vùng rừng phía đông bắc bởi vì không có đủ thú săn mồi. Không có chó sói và sư tử núi, giờ đây có nhiều hươu hơn là vào năm 1491. Mật độ chăn thả gia súc quá cao đang làm thoái hóa đất đai trên khắp thế giới. Nhưng đó không phải là bản chất của động vật ăn cỏ; sự hủy hoại đến từ cách làm, từ cách làm không tốt.

Tôi tin rằng trồng ngũ cốc là một hành vi không thể biện minh được. Nó đòi hỏi sự hủy diệt của toàn bộ hệ sinh thái — tất cả mọi sinh vật phải bị quét sạch khỏi cả vùng đất. Nó phá hủy đất màu bởi vì đất bị trơ ra — và nó phải bị làm trơ ra để có thể trồng được các loại ngũ cốc ngắn ngày. Ở những vùng không có đủ mưa, nông nghiệp đòi hỏi phải được tưới. Việc này hút cạn các dòng sông và làm đất đai bị muối hóa. Nó cũng đòi hỏi công sức lao động không bao giờ chấm dứt để đổi lại dinh dưỡng kém cỏi. Và nó tàn phá các nền văn hóa của con người, để lại chế độ nô lệ, phân lớp giai cấp, quân sự hóa, dân số phát triển quá độ, chủ nghĩa đế quốc và một Chúa Trời đầy giận dữ.

Đã có ai từng trồng được cây ngắn ngày đơn canh mà tránh được sự phá hủy này chưa? Liệu nông nghiệp có thể bền vững được không?

Wes Jackson viết:
Hầu hết các nền văn hóa Bắc Âu và Nhật Bản có những trang trại được duy trì một cách có vẻ bền vững. Nhưng khi chúng ta nhìn vào các trường hợp thành công, chúng ta phát hiện rằng nhiều yếu tố phức tạp tồn tại, bao gồm cả lượng mưa, bản chất của hệ thống canh tác, tính chất của đất, và bản chất của nền văn hóa. Tất cả những thứ đó kết hợp theo những cách độc đáo để hỗ trợ tích cực một nền nông nghiệp bền vững. Ngay cả như vậy, cả vùng Bắc Âu lẫn Nhật Bản đều còn lâu mới tự lực được về lương thực. Và con số người hay số nền văn hóa áp dụng một nền nông nghiệp bền vững... còn rất nhỏ. Việc gợi ý rằng giải pháp cho vấn đề nông nghiệp hiện nay chỉ đơn giản là làm theo tấm gương của những người có nhận thức về bảo vệ môi trường xung quanh chúng ta cũng gần giống như gợi ý rằng nếu nhiều người hơn nữa cư xử đúng mực thì chúng ta sẽ không cần cảnh sát hay quân đội nữa. Thực tế là cả cảnh sát lẫn quân đội đều đang tồn tại và cả hai đều là dấu hiệu của những vết rạn nứt bên trong nền văn minh của chúng ta.... Nhưng có phải vì vậy mà chúng ta nên dừng việc tìm kiếm những cách để khiến họ không còn cần thiết nữa? Có phải chúng ta không nên cố gắng tạo ra một nền nông nghiệp khiến cho tấm gương của những người có nhận thức tốt về bảo vệ môi trường trong nền nông nghiệp truyền thống không còn cần thiết nữa?
Hai phần ba diện tích đất đai trên Trái Đất không phù hợp để trồng cây ngắn vụ, dù là theo cách phá hoại môi trường hay không. Nó đơn giản là quá nhiều nước, quá ít nước, quá nóng, quá lạnh hay quá dốc ngay cả để nghĩ đến việc thử. Nhưng ở những nơi nông nghiệp có thể được thực hiện, để đạt được sự bền vững về đất màu, lượng mưa phải điều hòa và rơi xuống tương đối đều đặn trong suốt những tháng ấm áp. Khí hậu cũng phải ôn hòa — quá nóng hay quá ẩm ướt sẽ khiến hoạt động sinh học phân hủy các vật liệu hữu cơ quá nhanh, khiến lớp đất màu trở nên quá mỏng để thực hiện nông nghiệp (như rừng nhiệt đới ẩm chẳng hạn). Nếu khí hậu quá lạnh thì không có đủ hoạt động sinh học để phân hủy các vật liệu hữu cơ (như Greenland chẳng hạn). Những điều kiện thích hợp chỉ tồn tại ở một vài địa điểm trên Trái Đất. Jackson kể đến Bắc Âu và Nhật Bản. Lưu ý rằng danh sách đó không bao gồm những vựa ngũ cốc chính của thế giới như vùng trung tây Hoa Kỳ. Mùa hè ở đó quá nóng, mưa quá ít và các cơn bão quá mạnh.

Ngoài yếu tố khí hậu và địa điểm còn có phương pháp canh tác. Để đạt đến sự bền vững về đất màu, các cánh đồng phải được luân chuyển từ trồng độc canh ngắn ngày sang thành đồng cỏ - sang chăn nuôi kết hợp với trồng đa canh lâu năm — và rồi lại quay về trồng độc canh ngắn ngày. Những cây ngắn ngày phá hủy đất màu; gia súc và cây lâu năm phục hồi nó trở lại. Nếu bạn cực kỳ may mắn, sự phá hủy và phục hồi tương đối bằng nhau. Nhưng không có cách nào làm vậy nếu không có động vật nuôi. Một nền nông nghiệp toàn thực vật, trích lời của Mark Purdy, là một "hoang mạc về sinh thái."

Bill Mollison viết rằng thiên nhiên tạo ra đất màu với tốc độ khoảng 2 - 4 tấn/hecta một năm, nhưng với việc cày xới, chúng ta phá đi 40 - 500 tấn/ha một năm. Kịch bản tồi tệ nhất là lũ lụt hay gió mạnh có thể phá hủy lượng đất màu tích tụ trong 2000 năm chỉ sau một mùa.

Thế còn những hệ thống canh tác không cày xới? Chúng có hiệu quả làm chậm sự mất mát đất màu. Nhưng để dọn quang một khoảnh đất, cái cày được thay thế bằng thuốc diệt cỏ. Liệu tôi có thực sự phải đưa ra lập luận chứng tỏ rằng phun thuốc độc trên khắp cả lục địa là một ý tưởng rất tồi tệ không?

Vậy nhắc lại, đây là một hệ thống nông nghiệp không dùng đến động vật, cái chế độ ăn được cho là hỗ trợ sự sống và chính đáng về đạo đức. Đầu tiên, cướp một khoảnh đất từ ai đó, bởi vì lịch sử của nông nghiệp là lịch sử của chủ nghĩa đế quốc. Tiếp đó, ủi hoặc đốt đi tất cả sự sống trên đó: cây cối, đồng cỏ, đầm lầy. Đấy là bao gồm tất cả các sinh vật lớn cũng như nhỏ: bò rừng, chó sói xám, rắn đen. Một số rất nhỏ những loài như chuột, châu chấu có thể trụ lại, nhưng các loài động vật khác đều phải cuốn gói. Bây giờ gieo trồng các vụ mùa độc canh của bạn. Đám ngũ cốc và đậu của bạn lúc đầu sẽ ổn, do chúng sống dựa vào lớp chất hữu cơ tạo ra bởi khu rừng hay đồng cỏ giờ đã chết. Nhưng như bất cứ con thú đói nào, đất màu sẽ ăn dần vào nguồn dự trữ của nó, cho đến khi không còn gì cả — không còn lớp chất hữu cơ, không còn hoạt động sinh học. Khi năng suất cây trồng của bạn — nguồn thực phẩm của bạn — bắt đầu suy giảm, bạn có hai lựa chọn. Chiếm lấy một khoảnh đất khác và bắt đầu lại từ đầu, hoặc dùng phân bón. Do các cuốn sách hùng hồn tuyên bố rằng các sản phẩm động vật về cơ bản là độc ác và không bền vững, bạn không thể dùng phân chuồng, bột xương hay thịt. Vậy nên bạn lấy nguồn cung cấp nitơ từ nhiên liệu hóa thạch. Tôi có cần phải nói thêm rằng bạn không thể tự làm ra cái đó, rằng việc khai thác nó là một cơn ác mộng về sinh thái, và rằng một ngày nào đó tất cả dầu mỏ và khí đốt sẽ cạn kiệt?

Nguồn phốt pho của bạn phải được làm từ đá. Có lý do cho hình ảnh phổ biến gắn liền lao động khổ sai trong tù với việc đập đá. Bạn sẽ khai thác, nghiền, vận chuyển nó như thế nào nếu không có nhiên liệu hóa thạch, nếu chỉ dùng sức người và không dùng nô lệ? Về nguồn kali, bạn phải thu thập tro gỗ, hay trồng một vài loại cây xen canh gối vụ và hi vọng có đủ. Trong khi đó, đất màu đang biến thành cát bụi, làm tắc nghẽn các dòng sông và thổi trên khắp lục địa. Vào năm 1934, toàn bộ vùng ven biển phía đông bị che phủ trong một lớp sương mù màu nâu khi lớp đất màu của Oklahoma bị cày xới lên để cho ra bông và lúa mì. Nó trôi chầm chậm như một bóng ma giận dữ, phủ kín các thành phố phía đông và cả những con tàu cách bờ đến hàng trăm dặm, như chứng tỏ sức mạnh của hệ thống kinh tế vắt kiệt thiên nhiên của nền văn minh này. Đó là đích cuối cùng mà nông nghiệp hướng tới: sự diệt vong. Cây cối, đồng cỏ, chim chóc và các con thú đều đã biến mất, và cùng với chúng là lớp đất màu. Tiếp tục làm vậy không phải là giải pháp.

Giải pháp của Wes Jackson là một nền nông nghiệp dựa trên các loài cỏ lâu năm. Lúc này đây, ông đang cố gắng trồng thử những loài lâu năm đó. Ông viết rằng "bản thân nông nghiệp là một vấn đề sinh thái lớn hơn cả ô nhiễm công nghiệp" và đấy là vấn đề ông dành cả đời để giải quyết. Ông đang cố gắng lai tạo những giống cây lâu năm tập trung năng lượng của chúng để tạo ra hạt. Nhớ rằng một trong những lợi thế của việc sống lâu là có nhiều thời gian, nhiều thời gian để phát triển rễ, cành và thân gỗ, nhiều thời gian để sinh sản một cách thong thả. Các loại cỏ lâu năm không cần sản sinh nhiều hạt to chứa đầy năng lượng bởi vì chúng không cần làm vậy. Ngược lại, cây ngắn ngày phải chạy đua với thời gian. Từ khoảnh khắc chúng nảy mầm, đồng hồ sinh học của chúng tính giờ. Chiến lược tồn tại của chúng là thật nhiều những hạt giống to, mập. Câu hỏi là liệu những loài cây lâu năm có thể được dụ dỗ để tạo ra những cái hạt to hơn không? "Tôi đã hỏi một số nhà di truyền học danh tiếng, những người đã nghĩ và nghiên cứu về câu hỏi đó. Họ không những có những nhận xét bi quan mà còn thiên về câu khẳng định 'không' khi được hỏi về khả năng kết hợp giữa cây lâu năm và năng suất cao," ông thuật lại. Mặc dù vậy, ông vẫn cố thử. Nhưng là một nhà khoa học chứ không phải một trong những người vẫn khẩu chiến về chủ đề này, trang trại mơ ước của ông vẫn có động vật nuôi (gia súc, trâu bò, lợn, gà) bởi vì đất màu cần phân động vật. Những con thú ấy ăn thứ chúng ta không thể ăn (cellulose) và biến nó thành thứ chúng ta có thể ăn (protein và mỡ).

Điểm mà tôi đi khác với Jackson là câu hỏi tại sao. Không phải là tại sao đất màu bị mất và tại sao không trồng cây ngắn hạn độc canh. Mà là tại sao phải nhọc công làm vậy? Mục đích của ông ấy là phát triển một nền nông nghiệp hoạt động như một đồng cỏ. Câu trả lời của tôi, nghe giống như một lời tụng niệm, là chúng ta đã có đồng cỏ, hay là chúng ta đã từng có. Con người đã sống trên các thảo nguyên và đồng cỏ trong hàng triệu năm mà không hủy hoại chúng, không cần khoa học kỹ thuật để khắc phục bất cứ điều gì. Chúng ta cùng chia sẻ đồng cỏ với các loài khác và giữ dân số của chúng ta ở mức mà đồng cỏ có thể duy trì được. Khi đó chúng ta không hủy hoại thế giới này, ngôi nhà của chúng ta. Chúng ta cần một nền nông nghiệp hoạt động như một đồng cỏ là vì dân số của chúng ta đã vượt quá ngưỡng mà thế giới này có thể duy trì một cách tự nhiên. Chúng ta buộc phải biến những đồng cỏ thực sự thành đồng cỏ giả bởi vì nông nghiệp — đặc biệt là cuộc cách mạng xanh dựa trên nhiên liệu hóa thạch — đã làm bùng nổ dân số loài người.

Bill Mollison cũng có một giải pháp khác liên quan đến việc phục hồi hệ thống đa canh lâu năm mà ông đặt tên là "permaculture" (canh tác vĩnh cửu). Ông giải thích, "Việc cày xới đất ngay cả trong điều kiện lý tưởng nhất cũng chỉ hủy hoại đất màu vừa bằng tốc độ tạo mới đất màu cũng trong điều kiện lý tưởng nhất." Cách canh tác ngũ cốc lý tưởng nhất — với khí hậu, đất đai và sử dụng gia súc theo cách tốt nhất — cũng chỉ có thể hy vọng vừa đủ bù lại những gì nó hủy hoại. Không phải phát triển thêm, như thiên nhiên vẫn làm: chỉ là vừa đủ bù lại. Vâng, hủy hoại ít hơn thì vẫn là tốt. Tôi nghĩ những con rắn đen chắc phải đang van nài: Làm ơn, xin hãy hủy hoại ít hơn. Nhưng tại sao phải hủy hoại?

Dịch bởi Sott.net